Ốc Hướng dẫn nuôi ốc bươu đen thương phẩm đơn giản tại nhà

hainguyen

New member
Ốc đen hay còn gọi là Ốc bươu đen, trứng trắng. Mọi người tránh nhầm lẫn với Ốc bươu vàng, trứng đỏ.
Sản phẩm ốc bươu đen được các nhà hàng, quán ăn, quán ven đường chế biến nhiều món ăn đa dạng: ốc xào, ốc hấp xã, ốc nhồi thịt... tuỳ thuộc vào kích thước của ốc.
Giá ốc bươu đen thương phẩm trên thị trường hiện nay (06-2021) khoảng 60-80k/kg tuỳ thuộc vào kích thước (20-30 con/kg, 40-50 con/kg hoặc 50-60 con/kg).
Giá con giống ốc bươu đen hiện nay khoảng 250đ - 350đ/con, trứng ốc bươu đen tầm 650k-1000k/kg.
Thời gian thu hoạch ốc bươu đen từ 3-4 tháng (khoảng 100 ngày) tuỳ vào chế độ dinh dưỡng chăm sóc và môi trường nuôi.
Cách nuôi ốc bươu đen phổ biến hiện nay gồm: nuôi vây lưới trên mương/kênh (nước động tự nhiên), nuôi trong hồ xi măng/ao (nước tù), nuôi trong bể bạc (nước tù). Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và khuyến điểm riêng, trong bài này sẽ giới thiệu mọi người cách nuôi trong bể bạc, hồ xi măng hoặc nuôi ao.
Một số bạn có nhắn tin hỏi là "Nuôi ốc bươu đen trong thùng xốp được không?" Xin trả lời rằng "Được". Tuy nhiên do kích thước thùng xốp khá nhỏ nên nuôi ăn chơi chứ thương phẩm thì không phù hợp.

Trong bài này, mình xin chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen tại nhà. Rất mong nhận được sự góp ý của mọi người trong phần bình luận bên dưới

  1. CHUẨN BỊ AO HỒ NUÔI ỐC BƯƠU ĐEN​

    Hồ nuôi ốc bươu đen thường có kích thước rộng khoảng 5m2 trở lên, cao khoảng 0.8-1.0m. Bạn có thể dễ dàng đặt mua các loại hồ bạc nuôi ốc/ếch/cá trên Shopee, giá khoảng 300k tuỳ vào kích thước, chất liệu.
    Để nuôi ốc bươu đen tại nhà bạn cần có không gian đủ rộng, có mái che mát để tránh nắng nóng và nước mưa có thể gây tràn hồ.
    Mực nước trong hồ duy trì từ 0.5-0.8m tuỳ thuộc vào chiều cao của hồ.
    Thả bèo tấm, bèo dâu, bèo tây, lục bình, rong đuôi chó... nuôi sẵn trong hồ để chuẩn bị nuôi ốc và làm thức ăn cho ốc. Có thể thêm 1 chậu sen/súng ở giữa hồ cho đẹp.
    Một số người khuyên nên để bùn dưới đáy hồ tầm 3-5cm, theo mình là không nên - vì lúc vệ sinh hồ sẽ rất cực cho người nuôi. Trừ khi bạn có đất vườn rộng, có thể xã nước hồ thoải mái, lấy bùn dễ dàng và... siêng thay nước. Hãy cân nhắc nhé.
    Nên thả 1 bầy cá 7 màu tầm chục con vừa đực vừa cái để ăn lăng quăng và làm sạch hồ. Hồ có cá bơi qua bơi lại khi chăm sóc nhìn cũng vui mắt hơn :))
  2. CÁCH CHỌN CON GIỐNG​

    Ốc giống nên mua từ các trại uy tín, đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt. Phần vỏ không bị sứt, dập cũng như phần đỉnh vỏ cần có màu tươi sáng. Kích thước con giống khoảng 0,4-0,6g/con.
    Nên ưu tiên mua con giống ở những trại gần khu vực bạn sinh sống để giảm sự khác biệt về môi trường sống.
    Lúc mua cần hỏi người bán về cách thả con giống và kỹ thuật nuôi, bạn sẽ nhận được những kiến thức cực kỳ bổ ích mà bài viết này đôi khi không đề cập đến.
    Mẹo của mình: mình thường lấy kèm theo 1 bịch nước ở trại bán ốc mang về (tầm 1 lít). Lúc về đến thì mình pha thêm 1 lít nước lấy từ hồ sắp thả cho vào thùng ốc giống để ốc thích nghi, tầm 1 tiếng sau thì thả vào hồ nuôi.
  3. KỸ THUẬT NUÔI ỐC BƯƠU ĐEN​

    Ốc là loài động vật dễ nuôi dưỡng và chăm sóc.
    Đặc tính của ốc là không phân bố đều, chúng thường tập trung ở một số khu vực nhất định trong ao vì vậy bạn cần tạo các khu vực cao rải rác để giãn cách ốc và dễ theo dõi. Mình thường dựng gốc cây ở 4 góc hồ để ốc tập trung vào đấy.
    Mật độ nuôi phù hợp khoảng 150-200con/m2. vd: hồ 5m2 thì thả tối đa 1000 con giống.
    Độ pH Ốc phát triển mạnh trong ngưỡng pH từ 7 - 8.5, phát triển chậm khi pH nhỏ hơn 6.5 và có hiện tượng nhả nhớt và chết khi pH 5
    Nhiệt độ môi trường Ốc phát triển mạnh trong ngưỡng từ 18 - 31 độ C. Khi nhiệt độ tăng trên 37 Độ C ốc sẽ phát triển chậm và tỷ lệ chết cao. Khi nhiệt độ giảm xuống 16 độ C thì ốc sẽ bỏ ăn và rơi vào trạng thái ngủ đông. Lưu ý đặc biệt khi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C thì tỷ lệ chết sẽ rất cao.
    Trong khoảng 2 tháng đầu tiên nuôi ốc không cần thay nước trong hồ, trừ khi đồ ăn thừa nhiều gây mùi hôi/bẩn nước. Từ tháng thứ 2 trở đi thay nước tầm 2 tuần 1 lần. Mỗi lần thay nước từ 50-70% mực nước tuỳ vào thực tế. Nếu hồ bạn có ống xã đáy hồ, nên gom chất bẩn và xã ra theo nước. Nếu không có ống xã đáy, cần chủ động kéo ống hút nước đến các vị trí bẩn để hút chất bẩn theo nước ra ngoài. Ống hút nước nên dùng ống nhựa dẻo, trong suốt đường kính tầm 19mm. Hồ lớn thì có thể dùng nhiều ống hút 1 lúc hoặc dùng ống lớn hơn, tuỳ vào điều kiện và nhu cầu từng người.
  4. THỨC ĂN CHO ỐC BƯƠU ĐEN​

    Hàng ngày cho ốc con ăn thức ăn là cám gạo, khối lượng cho ăn bằng 10% khối lượng ốc thả và ngoài ra còn cho ốc ăn thêm lá khoai mì, lá rau muống, bèo, lá đu đủ, xà lách, lục bình và bèo có sẵn trong hồ. Các rau hỏng này có thể đi xin ngoài chợ.
    Các trái cây như mít, thanh long, mận bị dập, hư không sử dụng được có thể tận dụng làm thức ăn.
    Khi cho thức ăn cần cho lượng vừa đủ hoặc gần đủ, thiếu thì ốc sẽ ăn bèo và các cây có trong hồ. Nếu bạn cho quá nhiều thức ăn sẽ làm dơ nước.
  5. CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở ỐC BƯƠU ĐEN VÀ CÁCH XỬ LÝ​

    Ốc bươu đen thường chết hàng loạt khi ăn phải thức ăn có chất hoá học, thuốc trừ sâu. Vì thế khi xin rau ngoài chợ về, bạn nên lấy ngâm nước muối tầm 10p, sau đó xã sạch lại bằng nước thường trước khi cho ăn. Tốt nhất nên chủ động trồng bầu bí, rau muống để vừa ăn vừa cho ốc ăn.
    Ốc sưng vòi do Ốc Bươu đen có tập tính ăn lọc, hút thức ăn bằng vòi. Khi bệnh, vòi của ốc sẽ sưng to lên, lở loét, làm ốc không thể ăn được. 5-7 ngày sau, ốc kiệt sức, ít vùi đáy ao mà lờ đờ trên mặt nước, không lấy lại được cân bằng, vòi nhả ra nhiều đám nhớt màu trắng, sau đó chết hàng loạt là điều không thể tránh khỏi. Ốc bươu đen là loài ăn rất nhiều, khi cơ quan lấy thức ăn bị sự cố thì ốc đen yếu nhanh và tỷ lệ chết lên tới 100% nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy cần giữ vệ sinh hồ sạch sẽ, không để nhiễm bẩn và phát triển ký sinh trùng.
  6. Địa điểm mua con giống ốc bươu đen ở TP HCM​

    Hiện nay có rất nhiều trại con giống ốc bươu đen ở miền Tây, tuy nhiên ở TPHCM thì không nhiều.
 
Top